Vietnamese | English

Đôi khi, động chạm cơ thể là cách rất tốt để
giúp trẻ học tập.

Những hướng dẫn an toàn cho trẻ em này là từ The Kidpower Book for Caring Adults (Sách của Kidpower cho người lớn tận tâm), một hướng dẫn toàn diện về an toàn cá nhân, cách tự bảo vệ, tăng sự tự tin và là hàng rào pháp lý cho những người trẻ tuổi.

Ông bà, giáo viên, huấn luyện viên, trưởng nhóm thanh thiếu niên, chuyên gia y tế và những người chăm sóc khác đôi khi hỏi chúng tôi: “Làm sao tôi có thể tự bảo vệ mình khỏi một đứa trẻ có thái độ khó chịu với tôi và buộc tội tôi lạm dụng?”

Đây là một nỗi lo phổ biến. Trên thực tế, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo dành cho các nhà vật lý trị liệu và kỹ năng trị liệu, những người thường phải chạm vào trẻ em theo cách mà chúng ghét, và những đứa trẻ này đôi khi sẽ phàn nàn rằng chúng đang bị lạm dụng. Đáng buồn thay, vì lo lắng không muốn danh tiếng của mình bị tổn hại, một số người lớn cảm thấy ngại ôm trẻ, không còn thoải mái khi tình nguyện giúp đỡ trẻ và bối rối về cách họ tương tác với trẻ.

Dưới đây là bảy nguyên tắc giúp bạn tránh các vấn đề trong khi trao tặng cho trẻ món quà tuyệt vời là thời gian, sự hướng dẫn và tình yêu thương của bạn.

1. Hành động theo cách mà mọi người biết và bạn cảm thấy thoải mái.

Chịu trách nhiệm về sự an toàn về cảm xúc và thể chất của những trẻ mà bạn chăm sóc bằng cách trở thành một nhà lãnh đạo trưởng thành mạnh mẽ, có trách nhiệm và tôn trọng. Khuyến khích và hoan nghênh sự tham gia và hiện diện của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Nhấn mạnh rằng cả người lớn và trẻ em đều tham gia theo cách duy trì mục đích của bạn và những giá trị của bạn.

Hãy nhớ rằng trẻ em đến từ các gia đình và nền văn hóa khác nhau thường có những tiêu chuẩn rất khác nhau về sự khoả thân, những trò đùa trong phòng tắm hoặc những hành vi khêu gợi. Hãy chọn hướng an toàn. Nếu bạn nghĩ bạn có thể có bất kỳ câu hỏi nào, hãy trò chuyện với những người lớn khác có liên quan tới trẻ để thống nhất về ranh giới về sự đụng chạm, trò đùa, trò chơi và mức độ khỏa thân phù hợp.
Nếu bạn chịu trách nhiệm cho một nhóm trẻ em hoặc thanh thiếu niên, hãy công bằng. Tránh chọn bất kỳ đứa trẻ nào làm mục tiêu chú ý hay ưu đãi đặc biệt từ bạn. Khi tôi còn là một Nữ Hướng đạo sinh và Trưởng nhóm Lửa trại, tôi thường nói với các con của mình rằng: “Trong chuyến cắm trại này, hãy giả vờ như mẹ không phải là mẹ của các con, vì công việc của mẹ là chăm sóc mọi người.”

2. Hãy suy nghĩ trước khi bạn chọn ở một mình với một đứa trẻ.

Trẻ em phát triển mạnh nhờ mối quan hệ trực tiếp với những người lớn quan tâm đến chúng, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn có kiểu mối quan hệ cá nhân hoặc nghề nghiệp phù hợp và an toàn trước khi bạn ở một mình với trẻ. Hãy chắc chắn rằng bạn có sự cho phép của cha mẹ đứa trẻ. Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy kiểm tra với người giám sát hoặc đồng nghiệp của bạn. Hãy nhớ rằng việc duy trì với mức độ được nhìn thấy rõ có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bị cáo buộc lạm dụng. Nếu có thể, hãy cân nhắc việc không lái xe một mình với trẻ, không ở trong phòng biệt lập khi bạn phụ đạo hoặc dạy kèm riêng, để cửa mở và có cửa sổ ở cửa lớp học. Đảm bảo rằng cha mẹ và những người chăm sóc khác cảm thấy được chào đón khi ghé qua và xem bạn đang làm gì.

Theo Sterling Goodrich, Chuyên gia Chương trình tại After School Matters (Hoạt động ngoại khóa cũng quan trọng) và là Giảng viên lâu năm của Kidpower Chicago, “Khi tôi còn là một chuyên viên toàn thời gian dành cho thanh niên, phương châm của chúng tôi là nếu có thể thì không nên ở một mình với bất kỳ thanh thiếu niên nào. Lý tưởng nhất là chúng tôi sẽ có một hoặc nhiều nhân viên thanh niên trưởng thành hoặc phụ huynh có mặt tại các chương trình đó. Sẽ có ích nếu có sự hiện diện của một người lớn khác vì một vài lý do: thứ nhất, người lớn kia có thể giúp những nhân viên làm việc cùng thanh niên khác tập trung vào các ưu tiên và hướng dẫn của tổ chức, nếu họ bắt đầu có dấu hiệu không chú ý đến những điều đó, do mệt mỏi và/hoặc thất vọng với thanh thiếu niên; hai là sẽ có một người lớn khác làm nhân chứng và có thể giúp làm sáng tỏ mọi cáo buộc sai trái; và thứ ba, nếu một người lớn cố gắng tham gia chương trình dành cho thanh thiếu niên và có ý định săn đuổi thanh thiếu niên với mục đích không lành mạnh, thì người này sẽ bị từ chối quyền riêng tư và quyền kiểm soát với một thanh thiếu niên. Nếu ta không thể có sự hiện diện của một người lớn khác, thì lựa chọn tốt nhất tiếp theo là có một vài người trẻ tuổi có mặt tại đó.

Nhưng nếu trẻ cần nói chuyện riêng với bạn thì sao? Theo Giám đốc Trung tâm Kidpower Ấn Độ Praveen Vempadapu, “Khi tôi phụ trách nhà tập thể nữ, tôi đã xác định rõ ràng rằng không bao giờ tư vấn cho một cô gái trong phòng kín. Thay vào đó, tôi thường đưa cô ấy đến sân chơi và nói chuyện ở đó. Mọi người có thể nhìn thấy chúng tôi, nhưng đồng thời khoảng cách giữa chúng tôi vẫn đảm bảo sự riêng tư.”
Nhiều mối quan hệ gia đình, cố vấn và trị liệu tuyệt vời được hưởng lợi từ thời gian gặp gỡ trực tiếp. Để đảm bảo an toàn cho mọi người, điều quan trọng là cha mẹ hoặc người giám hộ phải biết và đồng ý với những gì đang xảy ra, rằng đứa trẻ có thể lên tiếng về những lo lắng của mình, và những hoạt động này không phải là bí mật.

3. Tôn trọng ranh giới của trẻ về sự đụng chạm và các kiểu kết nối khác.

Hãy dạy và duy trì các Quy tắc An toàn Kidpower này:

  • Đụng chạm hay những trò chơi cho vui, để chơi hay để thể hiện tình cảm nên là sự lựa chọn của mỗi người.
  • Bất kỳ hình thức đụng chạm hoặc hoạt động nào khác với những người trẻ tuổi cũng phải an toàn, được người lớn giám sát họ cho phép và không phải là bí mật.

Giống như tất cả chúng ta, người trẻ tuổi có những cách kết nối khác nhau và những kiểu nhu cầu khác nhau về sự đụng chạm. Sự thoải mái trong việc đụng chạm, được chú ý và các tương tác khác thường thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi hoặc tâm trạng của một người, phụ thuộc vào người kia và phụ thuộc tình huống. Giúp những người trẻ xác định và nói rõ cảm xúc của họ về ranh giới cá nhân và làm mẫu cho họ cách chú ý và tôn trọng ranh giới của người khác là một số kỹ năng sống quan trọng mà bạn có thể mang đến cho họ.

Có nhiều cách để thực hiện kết nối. Đảm bảo chỉ làm những việc mà bạn cảm thấy thoải mái và phù hợp với vai trò cũng như mối quan hệ của bạn với trẻ. Chỉ ôm trẻ nào muốn ôm bạn. Chỉ vỗ vào cánh tay của đứa trẻ muốn được chạm vào nhưng không muốn ôm. Đấu vật và chơi các trò chơi thể chất khác cũng có thể ổn nếu trẻ thể hiện sự thích thú rõ ràng với hoạt động này và hãy dừng lại, kiểm tra để đảm bảo trẻ cảm thấy thoải mái và muốn tiếp tục. Chỉ giao tiếp bằng mắt và mỉm cười với đứa trẻ dè dặt hơn về mặt thể chất. Nếu trẻ không thích giao tiếp bằng mắt, hãy dành vài phút để nói về hoặc làm điều gì đó mà trẻ quan tâm.

Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể. Việc một đứa trẻ nghiêng về phía bạn hay ra xa khỏi bạn là một manh mối tuyệt vời về cảm giác khi tiếp xúc với bạn tại thời điểm đó. Nếu bạn không chắc chắn, hãy để trẻ khởi sự sự tiếp xúc hoặc yêu cầu bạn điều đó. Đặc biệt là khi một trẻ có vẻ nhút nhát, dè dặt hoặc không thoải mái, hãy tránh gây áp lực bằng cách đưa ra lựa chọn giữa “có” và “có”. “Con muốn đập tay hay vẫy tay chào tạm biệt nào?” Nếu trẻ có vẻ khó chịu, bạn có thể hỏi: “Con muốn cô/chú ôm con hay con muốn ở trong không gian riêng của mình một lúc?”

Những người học theo kiểu vận động sẽ thường học về các hoạt động thể chất nhanh hơn nhiều nếu họ được giúp đỡ trong việc vận động cơ thể hơn là chỉ được cho xem cách thực hiện một kỹ thuật nào đó. Giúp họ hiểu cách học của họ có thể hỗ trợ họ rất tốt cho phần đời còn lại của họ. Nếu bạn không chắc liệu việc động chạm vì lý do này có ổn với ai đó hay không, bạn có thể giải thích và đưa ra lựa chọn, “Nhiều người ‘học bằng cách thực hành’ dễ dàng hơn việc xem người khác chỉ cách làm, và việc mới làm một việc gì đó lần đầu có thể đem lại cảm giác lúng túng. Con thấy có ổn không nếu cô/chú giúp con vận động cơ thể theo kỹ thuật này một vài lần đúng cách, hay can muốn tự làm giống những gì cô/chú chỉ dẫn cho con?”

4. Thừa nhận quyền không thích và cảm thấy không hài lòng của trẻ về điều bạn làm.

Nói với trẻ rằng, “Có một số thứ con không được lựa chọn, bao gồm cả việc chạm vào con vì sức khỏe hoặc sự an toàn của con.” Bị cấm đánh ai đó, cấm chạy trước ô tô hoặc cấm làm vỡ thứ gì đó không phải là một lựa chọn. Bị bắt buộc phải sử dụng dây an toàn hoặc ngồi ghế ô tô và đó không phải là một sự lựa chọn. Rời khỏi công viên khi đã đến giờ về nhà không phải là một sự lựa chọn. Phải đợi đến lượt của con hoặc chấp nhận thua một trò chơi không phải là một sự lựa chọn.

Hầu hết chúng ta cảm thấy buồn hoặc tức giận khi ai đó buộc ta làm điều gì đó trái với mong muốn của ta. Tại sao điều đó lại khác đi với trẻ? Một sự thừa nhận đầy cảm thông về những cảm giác khó chịu có thể mang đến cho người trẻ thông điệp rằng họ có quyền đối với cảm xúc của mình đồng thời hướng dẫn họ thể hiện những cảm xúc này theo những cách an toàn. Giả sử một đứa trẻ hét lên những lời lăng mạ vì nó khó chịu do mọi việc không đi đúng hướng. Bạn có thể nói một cách kiên quyết và tử tế: “Không được chửi thề hay lăng mạ người khác! Thay vào đó, con có thể nói với cô/chú rằng con cảm thấy tức giận về những gì cô/chú đã quyết định. Cô/chú rất tiếc vì con không hài lòng, và chúng ta có thể nói chuyện này sau với bố mẹ con để họ cũng biết”. Trong hội thảo dành cho các nhà vật lý trị liệu được đề cập ở đầu bài viết này, chúng tôi đã thực hành các cách khác nhau để thừa nhận cảm xúc, chẳng hạn như: “Cô/chú biết việc làm này của cô/chú khiến con bị tổn thương và cô/chú xin lỗi. Cô/chú phải làm điều này để giúp con tốt hơn. Có thể sẽ hữu ích hơn nếu cả hai chúng ta cùng hét lên, “TÔI GHÉT ĐIỀU NÀY!’ để mọi người biết con cảm thấy thế nào.”

5. Làm gương và duy trì ranh giới rõ ràng về hành vi tình dục hoặc khêu gợi.

Một lần, một cô bé mười tuổi xinh xắn bước vào một chương trình sau giờ học nơi tôi đang dạy một hội thảo về Kidpower. Cô bé thở dài cam chịu khi một vài cậu con trai nhìn chằm chằm vào cô bé và bắt đầu kêu “Hú! Hú!”. Tất nhiên là tôi đã ngăn chúng lại, nhưng rõ ràng đây là hành vi phổ biến trong nhóm này và trước đó nó chưa từng được nói đến.

Việc trẻ quan tâm đến cơ thể của mình và của nhau là điều bình thường, và một số trẻ phá vỡ ranh giới về điều này cũng như về những thứ khác – khoe các bộ phận cơ thể, trêu chọc những đứa trẻ khác về cơ thể của chúng hoặc kéo quần người khác xuống như một trò đùa. Hãy đặt ra những ranh giới rõ ràng, chắc chắn rằng kiểu chơi đùa, trêu chọc và đùa giỡn này không phù hợp với những người trẻ tuổi mà bạn chăm sóc. Lên tiếng về những việc nhỏ sẽ giúp ngăn chặn những việc lớn hơn. Hãy can thiệp để ngăn chặn mọi hành vi không phù hợp và, với trẻ vị thành niên, hãy thông báo cho cha mẹ của cả hai đứa trẻ theo cách không công kích.

Hãy chắc chắn rằng bạn đang thiết lập một ví dụ minh họa tốt. Đừng pha trò về tình dục khi có mặt trẻ em hoặc cười nhạo những trò đùa về tình dục nếu trẻ kể với chúng trước mặt bạn. Hãy thực sự cẩn thận với những người trẻ tuổi trong cách mọi người, cả trẻ em và người lớn, nói chuyện hoặc hành động về quần áo, cơ thể và các mối quan hệ.

Theo Laura Slesar – Giám đốc Trung tâm Vermont của chúng tôi – người đã từng làm việc tại một số trường học, “Hãy thận trọng với những việc như khiêu vũ với trẻ em khi có người đi kèm tại các buổi khiêu vũ: Tôi có một đồng nghiệp nữ phải giải thích cho một nam sinh lớp 11 tại sao lại không ổn khi cậu bé muốn ‘nhảy điệu khêu gợi’ với cô ấy – và cậu bé có vẻ ngạc nhiên thực sự! Khi tôi làm việc với những thanh thiếu niên nhiều nguy cơ tại một trường nội trú, mục tiêu của chúng tôi là giúp học sinh – đặc biệt là những em từng bị lạm dụng tình dục – thấy rằng chúng tôi là những người lớn an toàn và KHÔNG nhìn nhận các em theo lối tính dục.”

6. Nếu một đứa trẻ buộc tội bạn lạm dụng, hãy sử dụng điều này như một thời điểm để dạy dỗ chúng.

Thay vì cố gắng phủ nhận, bỏ qua hoặc ngăn chặn lời buộc tội này, hãy thừa nhận cảm giác khi bị buộc tội bởi câu nói này và nói rõ rằng bạn và đứa trẻ sẽ nói chuyện với những người khác để được giúp đỡ. Ví dụ, bạn có thể nói với giọng điềm tĩnh, tích cực: “Cảm ơn con đã cho cô/chú biết. Cô/chú xin lỗi vì việc này ở cô/chú đã làm con khó chịu. Các vấn đề không nên là bí mật, và cô/chú sẽ nói những lo lắng của con với cha mẹ con. Hoặc, “Cô/chú hiểu rằng đây là những gì con nghĩ đã xảy ra. Đó không phải là điều cô/chú định nói hoặc làm (hoặc, không phải điều cô/chú nghĩ mình đã nói hoặc làm). Cô/chú sẽ nói chuyện này với cha mẹ con và người giám sát của con.

Giả sử bạn mắc lỗi và vô tình chạm vào một đứa trẻ theo cách gây xấu hổ hoặc tổn thương. Hãy làm gương về cách chịu trách nhiệm và thúc đẩy các thông điệp “Đặt sự an toàn lên trên sự hổ thẹn” và “Sự động chạm không nên là một bí mật”. Bạn có thể nói, “Cô/chú xin lỗi vì đã đụng phải con theo cách như vậy. Đó là một tai nạn. Cô/chú sẽ cẩn thận để không làm điều đó một lần nữa. Cô/chú sẽ kể cho bố mẹ con chuyện đã xảy ra.” Nếu các cáo buộc lạm dụng đang được đệ trình theo cách chống lại bạn, hãy nhờ tư vấn pháp lý. Tuy nhiên, nếu các hướng dẫn trên đã được tuân theo thì điều này rất khó xảy ra. Đừng để nỗi sợ hãi về một từ ngữ mà một đứa trẻ đã học có sức mạnh khiến bạn hoảng sợ. Hãy hành động để giải quyết cảm xúc của trẻ, làm sáng tỏ mọi hiểu lầm và thông báo cho cha mẹ, người giám sát, đồng nghiệp và/hoặc những người lớn có liên quan khác.

Giao tiếp rõ ràng, ranh giới lành mạnh và sự lãnh đạo hiệu quả của người lớn có thể giúp ngăn ngừa hầu hết những sai sót, nhận thức sai lầm và bất đồng có thể dẫn đến cáo buộc lạm dụng tình dục không công bằng. Như Sterling nói về trải nghiệm của anh ấy với các chương trình dành cho thanh thiếu niên, “Mặc dù tôi cảm thấy mình đang hành động một cách đàng hoàng và tôn trọng, nhưng tôi vẫn sợ bị vu cáo là lạm dụng khi tôi còn là một chuyên viên làm việc với thanh thiếu niên. Đó là nỗi sợ hãi của nhiều chuyên viên thanh thiếu niên mà tôi đã làm việc cùng. Bây giờ tôi quản lý những chuyên viên đó và tôi nghĩ những hướng dẫn này sẽ hữu ích cho họ.”

7. Xây dựng, hiểu và duy trì các quy tắc rõ ràng về bảo vệ trẻ em

Các gia đình, trường học, chương trình dành cho thanh thiếu niên và các nhóm cộng đồng cần có các quy tắc rõ ràng về những gì được và không được coi là an toàn và phù hợp với trẻ em, thanh thiếu niên mà họ chăm sóc. Trừ khi làm điều gì đó sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu các quy tắc và tuân thủ chúng. Nếu bạn cho rằng một quy tắc, chính sách hoặc thông lệ phổ biến là sai, không an toàn hoặc không rõ ràng, hãy hành động để thay đổi nó thay vì bỏ qua. Nếu không có quy tắc, hãy phát triển chúng. Khi các nhà lãnh đạo trưởng thành duy trì nền tảng chung của các quy tắc thúc đẩy sự quan tâm, tôn trọng và an toàn cho mọi người, trẻ em và người lớn đều có nhiều khả năng hạnh phúc hơn, an toàn hơn và có thể học hỏi và phát triển tốt hơn.

Để tải xuống bài viết này, hãy nhập tên và email của bạn và nhấp vào nút tải xuống.

Bản quyền © 2023 – hiện tại. Đã đăng ký Bản quyền.

Đã xuất bản ngày: August 25, 2023 | Cập nhật mới nhất ngày: August 25, 2023

Nguyễn Vân Anh dịch

More Vietnamese Resources >>

Kidpower Founder and Executive Irene van der Zande is a master at teaching safety through stories and practices and at inspiring others to do the same. Her child protection and personal safety expertise has been featured by USA Today, CNN, Today Moms, the LA Times, and The Wall Street Journal. Publications include: cartoon-illustrated Kidpower Safety Comics and Kidpower Teaching Books curriculum; Bullying: What Adults Need to Know and Do to Keep Kids Safe; the Relationship Safety Skills Handbook for Teens and Adults; Earliest Teachable Moment: Personal Safety for Babies, Toddlers, and Preschoolers; The Kidpower Book for Caring Adults: Personal Safety, Self-Protection, Confidence, and Advocacy for Young People, and the Amazon Best Seller Doing Right by Our Kids: Protecting Child Safety at All Levels.

Register now!

Thank you for your Gift to Kidpower!