Vietnamese | English | EspañolFarsi

Tâm trạng thất thường và khủng hoảng cảm xúc có thể gây khổ sở cho trẻ và mọi người xung quanh. Tin tốt là người lớn có thể lo liệu việc này và nhận được hỗ trợ nhằm quản lý hành vi hung hăng theo những cách hiệu quả mà không khiến trẻ thấy xấu hổ. Bài viết này đến từ Thời điểm sớm nhất có thể dạy được trẻ: An toàn cá nhân cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo.

Cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ nhỏ thường tìm đến Kidpower để được giúp đỡ khi con họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho cơ thể và lời nói của mình:

  • “Con gái ba tuổi của tôi khoảnh khắc này có thể rất ngọt ngào và dễ thương và rồi lại bùng nổ trong nháy mắt. Hôm qua nó đã cố tình phá hủy một lâu đài cát và sau đó ném cát vào mắt một người bạn khác trong nhóm chơi của chúng tôi.”
  • “Con trai tôi đã từng rất ngoan ngoãn nhưng kể từ khi bắt đầu đi học mẫu giáo, nó bắt chước một bé trai khác và đánh những đứa trẻ khác.”
  • “Một học sinh trong lớp một của tôi cảm thấy khó chịu khi không được làm theo ý nó và bắt đầu cấu véo, xô đẩy người xung quanh và khóc nức nở không kiểm soát được.”
  • “Một cậu bé trong trung tâm chăm sóc ban ngày của tôi ghét rời khỏi sân chơi. Nó sẽ ném mình xuống đất trong cơn giận dữ tột độ, vùng vẫy, khóc lóc và la hét.”

Một trong những vấn đề khó khăn nhất khi sống và làm việc với trẻ em ở mọi lứa tuổi là biết cách bình tĩnh, yêu thương và ngăn chặn chúng một cách an toàn nếu chúng hành động theo cách có khả năng gây hại cho bản thân hoặc người khác. Trẻ em mất kiểm soát có thể cảm thấy không an toàn về mặt cảm xúc và có thể trở nên không an toàn về thể chất nếu không được ngăn chặn. Những đứa trẻ khác nhìn thấy một đứa trẻ đang hành động theo cách có vẻ nguy hiểm cũng có khả năng cảm thấy không an toàn, trừ khi người lớn chịu trách nhiệm về tình huống đó một cách hiệu quả và có sự quan tâm đến chúng. Chúng cũng có thể bắt đầu thử bắt chước hành vi của đứa trẻ hung hăng.

Mặc dù phải chấm dứt hành vi hung hăng, nhưng nếu người lớn kiềm chế một đứa trẻ đang bực bội theo cách không an toàn về thể chất cho trẻ hoặc cho người lớn; hành động một cách lo lắng hoặc tức giận về việc đứa trẻ đang bực bội; hoặc làm trẻ xấu hổ vì sự mất kiểm soát của nó: thì những điều này có thể gây ra tác hại lớn. Sự can thiệp mạnh mẽ, thực tế và tử tế của người lớn là cần thiết cho sự an toàn về thể chất và tinh thần của mọi người. Mặc dù bảy chiến lược sau đây được viết ra để giúp người lớn đang trông coi trẻ nhỏ, nhưng hầu hết chúng cũng có thể được áp dụng để can thiệp cả trẻ lớn hơn đang phải vật lộn với hành vi hung hăng.

1. Hãy chuẩn bị tinh thần rằng đôi khi trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi của mình.

Bộ não của trẻ em vẫn đang trong quá trình phát triển và chúng không có khả năng kiểm soát bản thân giống như người lớn. Ngay khi chúng có thể hiểu, điều quan trọng là bắt đầu dạy trẻ các kỹ năng để tiếp tục thay đổi hành vi của chúng đồng thời hiểu rằng chúng cần sự giám sát của người lớn để giữ an toàn – và chúng cần được hướng dẫn liên tục để học cách hành động an toàn.

Thông thường, những đứa trẻ có phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ dường như cần xác định ranh giới của chúng bằng cách xâm phạm ranh giới của người khác và bằng cách thử nghiệm cách sử dụng quyền lực của chúng một cách tiêu cực. Với sự hướng dẫn tích cực của người lớn, hầu hết các em lớn lên sẽ trở thành những người biết tôn trọng và biết quan tâm.

Những đứa trẻ rất nhạy cảm đôi khi hành động theo những cách không “tiêu chuẩn” hoặc không “dễ tính”, và chúng thường cần sự hỗ trợ của người lớn để học những hành vi có thể dễ dàng và dễ hòa nhập hơn đối với những đứa trẻ khác. Một số người nhớ lại những giai đoạn cảm xúc mãnh liệt thời thơ ấu, sau này khi họ trưởng thành đã trở thành những nhà văn tài năng, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng hoặc những nhà phát minh giàu trí tưởng tượng. Khi trẻ trải qua những cảm xúc mạnh mẽ, chúng cần người lớn đầu tư thời gian, sự kiên nhẫn, nỗ lực và lòng trắc ẩn để giúp chúng học cách xử lý những cảm xúc này một cách tích cực.

Khi trẻ trở nên quá tải cảm xúc, chúng có thể thu mình lại, tâm trí lạc đi và trở nên lơ đễnh, trở nên đau khổ vì buồn phiền, hoặc đả kích bằng lời nói hoặc thể chất.

Hãy thực tế và trung thực thay vì phủ nhận rằng có vấn đề. Mọi người thường coi hành vi mất kiểm soát là bình thường cho đến khi nó leo thang theo hướng phá hoại. Lên án một đứa trẻ hành động hung hăng vì “hư đốn” cũng vô ích. Hành vi hung hăng không có nghĩa là trẻ hư hay cha mẹ hoặc giáo viên của chúng không đủ năng lực. Sự bùng nổ cảm xúc chỉ có nghĩa là tất cả những người liên quan cần được hỗ trợ và có kỹ năng quản lý cảm xúc trước khi họ đạt đến điểm bùng nổ, cần đối phó với sự choáng ngợp và kiểm soát hành vi để mọi người được an toàn về mặt cảm xúc và thể chất.

2. Xác định và giảm thiểu các nguyên nhân gây căng thẳng kích hoạt sự bộc phát.

Hiểu được “bằng cách nào” và “tại sao xảy ra bùng nổ” là rất quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp tích cực. Mặc dù hành vi có vấn đề có thể giống như sự bùng nổ cảm xúc đột ngột mà không có lý do rõ ràng, nhưng thường có những khuôn mẫu về thời điểm mà nó ít nhiều có khả năng xảy ra và một số thời điểm mang tính “dẫn dắt” trước khi sự cố xảy ra. Mặc dù điều này tốn nhiều thời gian, nhưng việc dành một tuần hoặc hơn để viết ra tất cả những quan sát về thời điểm và mức độ thường xuyên khiến trẻ khó chịu sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp xác định những thay đổi khả dĩ có thể dẫn đến việc giảm bớt sự bùng nổ.

Ghi lại hành vi. Xem liệu có bất kỳ mô hình nào nổi lên về những khác biệt vào những ngày trẻ “ổn thỏa” và những ngày trẻ “khó khăn” hay không. Có gì nổi bật không? Dưới đây là một số kiểu kích hoạt rất phổ biến mà ta có thể xem xét:

Chuyển tiếp. Ngay cả khi làm nhiều việc khác nhau rất thú vị, nhưng sự thay đổi hoạt động quá nhiều có thể khiến trẻ bị kích thích quá mức. Nhiều trẻ ít bộc phát hơn rất nhiều khi chúng có một lịch trình bình ổn, có thể đoán trước được, bao gồm thời gian chơi một mình trong không gian riêng của chúng và thời gian riêng đặc biệt với người lớn, được diễn ra theo cách đều đặn và thường xuyên.

Đôi khi một sự thay đổi kế hoạch đơn giản trong một thời gian có thể tạo ra cả một trời khác biệt. Ví dụ, nếu con bạn nổi cơn thịnh nộ trong cửa hàng, hãy cân nhắc sắp xếp để thực hiện việc mua sắm mà không có con trong vài tuần.

Làm sao cho việc rời khỏi một hoạt động yêu thích diễn ra vui vẻ hơn là căng thẳng. Nếu con bạn khó chịu vì rời công viên, hãy thống nhất kế hoạch trước khi đến công viên về cách thức và thời điểm bạn chuẩn bị rời đi và nhắc nhở con nhiều về khoảng thời gian còn lại. Khi đến lúc phải đi, hãy vui vẻ ngay cả khi con bạn không vui, hãy cho trẻ điều gì đó để mong đợi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo và kể câu chuyện về một nhân vật yêu thích đã làm những điều ngớ ngẩn để có thể ở lại công viên suốt đêm.

Đối với nhiều trẻ em, việc bắt đầu đi học mẫu giáo có thể là một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn. Một đứa trẻ có thể bắt đầu đấu tranh với các vấn đề về quyền lực và kiểm soát trong nỗ lực quản lý một môi trường mới. Nếu con bạn gặp khó khăn, hãy cố gắng tình nguyện tham gia lớp học để giúp hỗ trợ giáo viên và hiểu thêm về bối cảnh của vấn đề.

Ngay cả những thay đổi tích cực như có anh chị em mới, nhà mới hay tiệc sinh nhật cũng thường gây căng thẳng cho trẻ nhỏ. Tất nhiên, những thay đổi tiêu cực như ly hôn, cha mẹ mất việc hoặc qua đời có thể sẽ gây khó khăn cho cả gia đình và cần nhiều hỗ trợ hơn.

Quá nóng hoặc quá lạnh. Một số trẻ có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiệt độ. Khi chúng thậm chí chỉ thấy hơi quá nóng hoặc quá lạnh, đã có nhiều khả năng chúng trở nên khó chịu hơn — và khi đang tập trung, chúng thường không nhớ mặc hoặc cởi áo khoác hoặc lấy nước uống. Việc thực hành giúp đảm bảo cơ thể của chúng được thoải mái là rất hữu ích để chúng ghi nhớ thời điểm này cho sau này.

Cần ngủ nhiều hơn. Một số trẻ cần có một lịch trình đi ngủ và thức rất nghiêm ngặt để ngủ đủ giấc—một số trẻ chỉ đơn giản là cần ngủ nhiều hơn, và khi bạn lo học hỏi mọi thứ có thể về thế giới – giống như nhiều trẻ năm tuổi! – việc ngủ đủ giấc có thể khá khó khăn. Một số trẻ cần bắt đầu ngủ trưa trở lại một lúc khi chúng bắt đầu các hoạt động mới, chẳng hạn như tham gia một chuyến du lịch hoặc đến trường mới. Thay đổi là một áp lực lớn ngay cả khi nó là tích cực, và việc ngủ thêm có thể giúp trẻ trong quá trình chuyển tiếp.

Cần tiếp xúc nhiều hơn về mặt thể chất với người lớn. Một số trẻ dường như cần nhiều thời gian “ôm ấp và âu yếm” để giúp cơ thể chúng bình tĩnh lại. Ngồi và đọc những cuốn sách thú vị, chơi trò chơi (khi ngồi trong lòng người lớn ) hoặc được bế hay cõng có thể hữu ích.

Cần hoạt động thể chất nhiều hơn. Một số trẻ cần vận động RẤT NHIỀU! Trên thực tế, việc vận động có thể giúp chúng tập trung và nhập tâm những gì chúng đang học. Việc bị buộc phải ngồi yên và chú ý trong thời gian dài có thể khiến chúng cực kỳ căng thẳng.

Cần thêm không gian. Một số trẻ bị choáng ngợp khi có nhiều người khác xung quanh. Đây là lý do tại sao trong thời kỳ chuyển tiếp, rất nhiều khó khăn diễn ra ở trường – xếp hàng đi ăn trưa, thời gian lớp tập hợp theo vòng tròn, v.v. Trẻ em dường như thường thu mình và co cụm lại khi chúng trở nên kích động hơn thay vì cho bản thân nhiều không gian hơn.

Cho trẻ tập di chuyển đến cuối hàng hoặc mép vòng tròn nếu chúng cần không gian hoặc bình tĩnh xin thêm một chút không gian. Yêu cầu chúng thực hành lùi lại và đo bằng một cánh tay để có nhiều khoảng trống trong hàng thay vì chen lấn về phía trước. Ta nói với trẻ rằng việc xếp hàng an toàn quan trọng hơn là đứng hàng đầu tiên (điều rất quan trọng đối với nhiều trẻ nhỏ – và cả người lớn).

Giúp trẻ lập kế hoạch làm thế nào để có không gian tại bàn ăn trưa hoặc khi ngồi thành vòng tròn. Hãy nói chuyện với giáo viên của con bạn về điều này nếu bạn nghĩ đây là vấn đề và nhờ họ giúp bạn lên một kế hoạch cho phép trẻ được đi đến một nơi ít đông đúc hơn theo cách không quá gây mất tập trung cho cả lớp.

Kích thích quá mức. ‘Ít hơn’ thường là ‘nhiều hơn’ trong việc ngăn chặn khủng hoảng. Hãy thử thay đổi lịch trình của bạn và sắp xếp ngày và không gian của bạn để trẻ làm ít hơn, có ít đồ chơi hoặc trò chơi hơn cùng lúc và chậm lại. Giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng màn hình và thiết bị công nghệ khác để trẻ sử dụng thời gian của bản thân để chơi tưởng tượng và sáng tạo. Nếu một đứa trẻ phàn nàn vì thấy buồn chán, đừng vội can thiệp hay sửa chữa. Khuyến khích trẻ tìm ra những điều thú vị để tự làm trong một thời gian và sau đó lập kế hoạch thu hút sự chú ý hoàn toàn của người lớn như bạn, vào thời điểm phù hợp với cả hai bên.

Đói. Không có đủ thực phẩm lành mạnh để ăn cũng có thể khiến trẻ dễ bị kích động hơn. Trẻ quá bận rộn, chúng có thể quên ăn và sau đó không nhận ra mình đói như thế nào. Hoặc chúng ăn nhiều đồ ăn vặt không thực sự bổ dưỡng cho cơ thể. Hãy lập một kế hoạch để đảm bảo trẻ ăn thức ăn lành mạnh ngay trước giờ học, giờ ra chơi, bữa trưa và ngay sau giờ học: việc đó có thể rất hữu ích.

Các vấn đề y tế hoặc tâm lý. Nếu các yếu tố kích hoạt khác dường như không liên quan, thì một đứa trẻ có ngưỡng thất vọng rất thấp và dễ bị kích động theo những cách trở nên phá hoại hoặc bất hợp tác đột ngột nên được đánh giá về vấn đề y tế, tâm lý hoặc thần kinh tiềm ẩn. Hành vi của một số trẻ đã được cải thiện đáng kể do không thường xuyên bị kích thích bởi dị ứng hoặc vấn đề y tế khác, hoặc do nguồn gốc của vấn đề đã được tìm ra và giải quyết.

Ngay cả khi một đứa trẻ không hành động hung hăng, việc kiểm tra các vấn đề tiềm ẩn tiềm ẩn là rất quan trọng bất cứ khi nào một đứa trẻ dường như gặp khó khăn mà không có lý do rõ ràng. Ví dụ, con gái tôi lúc 8 tuổi gặp khó khăn rất lớn trong việc học đọc. Không có vấn đề gì xuất hiện trong lần kiểm tra định kỳ của con bé, nhưng khi tôi đề cập mối lo của mình với bác sĩ nhãn khoa của chính tôi trong một cuộc trò chuyện bình thường, bác sĩ đã kiểm tra mắt cho con tôi. Con bé không có vấn đề về thị lực nhưng bị chậm phát triển về mặt thần kinh, do hai bên mắt của nó bị hiếng. Con bé vô cùng nhẹ nhõm khi biết được lý do tại sao nó gặp nhiều rắc rối hơn các bạn cùng lớp. Và, sau vài tháng tập vật lý trị liệu để thích nghi, con tôi bắt đầu đọc một cách dễ dàng và vui vẻ.

Khi bạn đã xác định được các tác nhân có thể xảy ra, hãy thử nghiệm bằng cách thực hiện thay đổi và xem liệu điều đó có hữu ích hay không. Hãy thử sống chậm lại trong ngày, tăng các hoạt động thể chất, giảm kích thích, ăn thêm một bữa ăn nhẹ, tắm lâu, ôm ấp và kể chuyện trước khi đi ngủ, kiểm soát nhiệt độ cơ thể, v.v. có cơ hội tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát hành vi này.

3. Dạy trẻ cách nhận biết và kiểm soát những cảm xúc và hành động dẫn đến hành vi không an toàn.

Thảo luận về những gì đang diễn ra để giúp trẻ hiểu. Một người mẹ gọi hành vi bộc phát của con mình là “cảm xúc nhanh”, một cái tên mang tính quan tâm và không phán xét để mô tả điều gì xảy ra khi bạn đột nhiên rất khó chịu và nói hoặc làm những điều gây tổn thương.

Thừa nhận rằng việc cảm thấy tức giận và thất vọng là điều bình thường – và ta phải học cách cảm nhận cảm xúc của mình trong khi vẫn an toàn với cơ thể mình. Kể chuyện về những lần bạn cảm thấy tức giận và bị đánh hoặc bị đá. Thảo luận về những nhân vật trong sách mắc phải những kiểu lỗi này. Đóng diễn các tình huống với đồ chơi để chỉ ra vấn đề và các giải pháp an toàn. Sử dụng chiến lược Sách nhỏ cho người biết chữ (Little Books for Literal People) của chúng tôi để tạo ra những câu chuyện học tập tập trung vào hành vi mà trẻ đang thực hiện.

Dạy trẻ các kỹ năng để ngăn chặn hành vi hung hăng trong thời điểm này. Cung cấp các cách sử dụng năng lượng tích cực một cách an toàn. Tất cả trẻ em đều được hưởng lợi từ việc có cơ hội thành công trong việc vận động, năng động và học hỏi những điều mới trong khi vẫn an toàn về mặt cảm xúc và thể chất cũng như kiểm soát những gì chúng nói và làm. Ví dụ, yoga có thể là một cách thú vị để trẻ học cách tập trung bằng cách sử dụng cơ thể của mình một cách mạnh mẽ và yên bình, cũng như một hình thức võ thuật phù hợp.

Khi trẻ đã bình tĩnh, hãy thực hành các kỹ năng Kidpower như một cách vui vẻ và thú vị để giữ an toàn với mọi người. Ngay cả những đứa trẻ mới hai tuổi cũng đã thành công trong việc học và sử dụng những kỹ năng này.

Sức mạnh Bình tĩnh lại – ngăn bản thân khỏi buồn bã. Thực hành bằng cách để chúng giả vờ khó chịu, sau đó hít vào thở ra chậm rãi và sâu, siết chặt hai lòng bàn tay vào nhau và duỗi thẳng lưng. Nhắc chúng sử dụng Sức mạnh Bình tĩnh lại khi chúng bắt đầu khó chịu bằng cách hướng cho chúng thực hiện những chuyển động này và sau đó chúc mừng chúng khi chúng làm được điều này dù chỉ một phần.

Sức Mạnh Kín Miệng — ngăn bản thân nói điều gì đó có thể gây tổn thương hoặc không phù hợp. Trẻ nhỏ hơn có thể cần thực hành bằng cách mím môi VÀ đưa tay lên miệng để giúp chúng dừng lại. Bạn có thể diễn tập bằng cách xem lại một tình huống đã xảy ra (ví dụ: có biểu hiện thô lỗ khi thấy một đứa trẻ khác “bốc mùi”) và yêu cầu trẻ toan nói điều gì đó ác ý rồi dừng lại. Sau đó, bạn có thể đưa ra các tình huống khác. Lúc đầu hãylàm điều đó nhiều lần một ngày. Thưởng cho trẻ vì đã luyện tập—một cái ôm thật chặt, đập tay, nói rằng bạn tự hào về trẻ như thế nào, đây đều là những cách khiến trẻ cảm thấy vui vẻ khi học tập.

Sức mạnh Hạ tay xuống — tự ngăn bản thân đánh hoặc làm tổn thương người khác. Điều này có thể được thực hiện bằng cách ấn hai tay của trẻ xuống hai bên hông hoặc cho vào túi để chúng khó lấy ra. Tạo tình huống nhập vai. Sau đó, có một gợi ý —khi bạn nói “hạ tay xuống”, tay của trẻ sẽ buông xuống hai bên hoặc đút vào túi quần. Thưởng cho trẻ vì trẻ đã trở nên an toàn với đôi tay của mình—bạn có thể thấy một biểu đồ khen thưởng thực sự hữu ích với việc này—với những phần thưởng nhỏ hữu hình mà bạn loại bỏ dần khi trẻ tự kiểm soát bản thân tốt hơn.

Sức mạnh Di chuyển ra xa — di chuyển bản thân đến một nơi yên tĩnh để bình tĩnh lại. Tạo một không gian yên tĩnh cho trẻ ở nhà, trường học, v.v. nơi trẻ có thể đến và hít một hay hai hơi, nhảy lên nhảy xuống, ôm gối, bất cứ thứ gì giúp trẻ bình tĩnh lại nhưng tránh xa những đứa trẻ mà trẻ có thể làm tổn thương. Người lớn của chúng cần có thể nhanh chóng đến và kiểm tra với trẻ xem các trẻ đã di chuyển đến không gian này chưa, để hỗ trợ nếu các trẻ cần.

Sức mạnh Đi ra xa – tránh xa rắc rối. Thực hành bằng cách giả vờ là một đứa trẻ, chuẩn bị đẩy hoặc chọc ghẹo mà không thực sự làm điều này với đứa trẻ. Hướng dẫn trẻ rời đi với thái độ nhận thức, bình tĩnh, tôn trọng và tự tin.

Sử dụng sự thực hành này như một hệ quả tự nhiên của việc đưa ra những lựa chọn không an toàn. Bạn không muốn làm cho những đứa trẻ có vấn đề về hành vi an toàn cảm thấy tồi tệ, nhưng điều quan trọng là chúng thấy được hậu quả của hành vi phá hoại. Ngăn chặn một đứa trẻ hung hăng ngay lập tức và kiên quyết, với sự hỗ trợ nhiều yêu thương và ngôn ngữ rõ ràng đơn giản. “Khi con đánh mẹ, mẹ thấy rất đau. Mẹ cảm thấy buồn. Đừng đánh mẹ như vậy. Mẹ yêu con rất nhiều. Con là một người tốt. Hãy thực hành việc ngăn con đánh người khác.”

Lần nào cũng hãy cố gắng sử dụng cùng một ngôn ngữ đơn giản. Nếu một đứa trẻ đánh hoặc làm đau ai đó, hậu quả có thể là tập dừng lại, thừa nhận những cảm xúc dẫn đến sự bùng nổ, xem lại “kế hoạch” sử dụng những cách an toàn để kiểm soát cảm xúc hung hăng, sau đó cùng nhau thực hành kế hoạch đó.

4. Lập một kế hoạch về cách ngăn chặn và xử lý các cơn bộc phát ở mọi nơi trẻ có thể đến.

Nếu bạn có con trẻ cần giúp kiểm soát cơn tức giận, hãy lường trước những vấn đề có thể xảy ra và lập kế hoạch. Dạy chúng cách bình tĩnh lại khi cảm thấy khó chịu là một kỹ năng sẽ giúp ích cho trẻ trong suốt cuộc đời. Mỗi trẻ mỗi khác. Những gì hiệu quả trong việc giúp trẻ này xử lý những cảm xúc mãnh liệt có thể khác đối với một đứa trẻ khác. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể từ một giáo viên Mầm non và Mẫu giáo có học sinh gặp khó khăn trong việc giữ an toàn cho cơ thể và lời nói của mình. Tạo một kế hoạch gia đình về cách xử lý các cơn bộc phát. Bạn có thể cần một vài câu trong số đó (một câu khi trẻ cảm thấy rất buồn, một câu khi trẻ cảm thấy thất vọng, v.v.) hoặc thậm chí có thể là những câu cụ thể hơn (cách xử lý khi ai đó lấy đồ chơi của trẻ, cách xử lý khi ai đó nói điều gì đó làm tổn thương cảm xúc của trẻ, v.v.). Mô tả tình huống với từng bước xảy ra và bạn muốn nó xảy ra. Giúp con bạn lập một kế hoạch mới bằng cách chia nhỏ mọi thứ. Ví dụ, bắt đầu bằng một câu chuyện về những gì thực sự xảy ra : 1) Lara cảm thấy tức giận, 2) Lara đánh, 3) Bạn của trẻ bị thương. Bây giờ, hãy tạo ra một câu chuyện mới với các bước bạn muốn xảy ra: 1) Lara bắt đầu cảm thấy tức giận, 2) Lara hít thở sâu hai lần, 3) Lara đặt tay xuống, 4) Lara được bố/mẹ/cô giáo giúp đỡ/v.v., 5) Người lớn giúp đỡ, 6) Lara cảm thấy tốt hơn, 7) Bạn bè cũng vui. Ban đầu, bạn có thể cần thực hiện các bước RẤT đơn giản , nhưng hãy viết chúng ra một tờ giấy lớn có hình ảnh, hoặc dưới dạng một cuốn sách nhỏ có hình vẽ hoặc trên các thẻ ghi chú lớn. Hãy xem bài viết của chúng tôi Những cuốn sách nhỏ dành cho những người biết chữ (Little Books for Literal People) để biết thêm chi tiết về chiến lược này! Đưa ra huấn luyện vào ngay thời-điểm-này. Khi một vấn đề bắt đầu xuất hiện, hãy huấn luyện con bạn làm theo kế hoạch của chúng. Lúc đầu, bạn có thể chỉ nói chuyện với chúng và sau đó thông qua kế hoạch sau khi tình huống kết thúc và chúng đã bình tĩnh lại, nhưng theo thời gian, chúng có thể dừng lại và thực hiện theo kế hoạch vào lúc này. Dành thời gian thực hiện các phần của kế hoạch, đặc biệt là các phần về cách bình tĩnh lại. Giúp con bạn xác định cảm xúc khi chúng đang xảy ra hoặc sau đó khi chúng sẵn sàng suy nghĩ về những gì đã xảy ra. Ví dụ, chúng có thể nói rằng chúng cảm thấy “nóng” hoặc “buồn”. Vẽ một bức tranh về cảm giác hoặc thực hiện một chuyển động cơ thể cho cảm giác đó (buồn có thể là làm mặt buồn hoặc đặt ngón tay lên má, nóng có thể là huơ tay vào mặt). Yêu cầu chúng thực hiện chuyển động nếu chúng có thể nói về cảm giác khi nó đang diễn ra. Cả hai bạn càng có thể tập trung vào cảm xúc ngay khi chúng xảy ra, thì cả hai bạn càng có thể giúp chuyển hướng cảm xúc tốt hơn. Hãy chuẩn bị để quản lý sự hách dịch. Đôi khi những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát bắt đầu “kiểm soát” những đứa trẻ khác và thậm chí cả người lớn. Mặc dù điều này có thể gây khó chịu, nhưng cũng khá bình thường khi những đứa trẻ đang vật lộn với các quy tắc cảm thấy cần phải nói với những người khác về các quy tắc. Đó có thể là cách chúng xử lý các quy tắc hoặc có thể cho thấy rằng những người khác không phải lúc nào cũng tuân theo các quy tắc hoặc đó có thể là một phần tính cách của họ. Điều thường hiệu quả nhất là chỉ nói, “Con chịu trách nhiệm về con và bạn___ chịu trách nhiệm về chính họ. Con tuân theo các quy tắc cho chính mình và để họ tuân theo các quy tắc cho chính họ. Nếu con thấy ai đó làm điều gì đó không an toàn, hãy nói với ba/mẹ/thầy/cô.” Một câu chuyện thành công khi sử dụng những kỹ năng và chiến lược này để lập kế hoạch cho những khó khăn: Ví dụ, một cậu bé, chúng ta sẽ gọi là Sam, gặp khó khăn khi bắt đầu học mẫu giáo. Sam đã học cách xác định cảm giác của mình ngay trước khi trẻ tức giận (mặc dù sự bộc phát của trẻ trước đó dường như xảy ra đột ngột). Với cha mẹ và giáo viên của mình, trẻ đã phát triển một lời gợi ý mà trẻ sẽ nói rằng “bộ điều nhiệt bên trong của con đang như thế nào”. Sam muốn cảm thấy dễ chịu vừa phải. Trẻ sẽ đặt ngón tay lên ngực: bên trái lạnh quá, con buồn; bên phải, quá nóng, tức giận: và ở giữa là vừa phải. Khi đã xác định được cảm xúc của mình, Sam học cách giải quyết những gì trẻ đang cảm thấy để có thể giải quyết vấn đề. Nếu nóng quá, thỉnh thoảng việc hạ nhiệt nghĩa là được hỗ trợ để được chạy quanh sân hoặc kiếm nước uống rồi nhảy lên nhảy xuống 20 lần để lấy sức. Nếu trẻ cảm thấy quá lạnh, việc khởi động có thể là nhận được sự âu yếm từ giáo viên của mình, nắm tay cô/chú ấy trong vài phút hoặc ôm một con thú nhồi bông. Sam cũng cố gắng hít thở vào lúc này, giữ hai tay của mình để chúng không đánh đập ai, và di chuyển đến một không gian yên tĩnh, nơi trẻ có một số khoảng trống để có thể an toàn hơn với cơ thể của mình. Trẻ bắt đầu có nhiều niềm vui hơn và ít vấn đề hơn ở trường.

5. Hiểu và chịu trách nhiệm về các yếu tố kích hoạt cảm xúc của chính bạn.

Chúng ta muốn con mình được hạnh phúc. Tuy nhiên, công việc của chúng ta với tư cách là người lớn không phải lúc nào cũng khiến trẻ vui vẻ, mà là giữ cho chúng được an toàn và giúp chúng học hỏi và trưởng thành. Mặc dù ta biết điều này về mặt trí tuệ, nhưng thật khó mà không để tâm và nằm lòng những điều tiêu cực mà một đứa trẻ khó chịu hoặc bướng bỉnh có thể nói hoặc làm.

Nếu bạn thấy mình bị hành vi của trẻ kích động, hãy nhớ rằng, trước khi bạn có thể an toàn về mặt cảm xúc và thể chất trong việc quản lý hành vi của trẻ, bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cảm xúc của chính mình. Trẻ em rất nhạy cảm với những người lớn thể hiện sự mâu thuẫn, sự oán giận bị kìm nén hoặc cảm giác tội lỗi. Nếu cần, hãy gạt những cảm xúc không vui của bạn sang một bên để giải quyết sau và tập trung vào việc đồng cảm với quan điểm của trẻ, đồng thời đặt ra những ranh giới cần thiết cho hành vi.

Nếu bạn thấy mình gặp khó khăn với hành vi của một đứa trẻ cụ thể, hãy giải quyết cảm xúc của chính bạn thay vì ước chúng sẽ biến mất. Thông thường, chỉ cần nói về sự thất vọng hoặc khó chịu của bạn một cách riêng tư và kín đáo với một người lớn khác cũng đủ để giúp bạn có thêm quan điểm.

Nếu bạn cảm thấy không thể đối phó với hành vi của con mình, hãy cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp càng sớm càng tốt. Nếu hành vi của một đứa trẻ gây ra sự kiệt sức và xung đột, đôi khi một vài buổi trị liệu bằng trò chơi hoặc liệu pháp gia đình có thể cung cấp cho mọi người công cụ để biến hành vi khó khăn thành cơ hội để phát triển.

6. Hãy là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, tôn trọng người lớn khi phụ trách một đứa trẻ mất kiểm soát.

Trẻ em cần phải được ngăn chặn khỏi hành vi nguy hiểm hoặc phá hoại. Chúng cũng cần thấy người lớn chịu trách nhiệm giữ an toàn theo cách bình tĩnh, tôn trọng và kiên quyết.

Khi trẻ động tay động chân, việc có cảm giác thất vọng, tức giận, sợ hãi và xấu hổ có thể là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu người lớn hành động theo cách đáng xấu hổ hoặc gây tổn thương đối với những trẻ có hành vi không an toàn, thì họ đang cho trẻ thấy hành vi hoàn toàn ngược lại với những gì những đứa trẻ này cần học về cách xử lý cảm giác khó chịu. Thay vào đó, hãy cho bọn trẻ thấy rằng, bất kể bạn đang cảm thấy thế nào bên trong, bạn vẫn chịu trách nhiệm về những gì mình nói và làm vì sự an toàn và yên ổn của chúng rất quan trọng đối với bạn.

Vì vậy, hãy hít một hơi và bình tĩnh trước khi bạn phản ứng.

Ngăn chặn các vấn đề bằng cách ở gần một đứa trẻ gặp khó khăn trong việc giữ an toàn với cơ thể và lời nói của chúng để bạn có thể can thiệp nhanh chóng, trước khi hành vi bắt đầu leo thang. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để can thiệp một cách nhanh chóng và an toàn cả về lời nói và thể chất bằng cách:

  • Sử dụng những từ đơn giản với giọng điệu kiên quyết, hướng dẫn mà không hét vào mặt trẻ, hãy nói: “Bỏ cái đó xuống!” “Không cắn!” “Không đánh!
  • Ở đủ gần để bạn có thể dễ dàng lấy đi một món đồ chơi sắp bị ném hoặc ngăn bàn tay của một đứa trẻ đánh một đứa trẻ khác.
  • Chuyển sang ngồi hoặc đứng giữa hai đứa trẻ đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho nhau.

Một số trẻ nghe thấy tiếng thì thầm trên sân khấu còn tốt hơn là một giọng nói lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, nếu một đứa trẻ sắp bị tổn thương, hãy chuẩn bị sẵn sàng để trở nên mạnh mẽ. Nếu một đứa trẻ sắp chạy ra đường, hãy hét lên, “DỪNG LẠI!” và nắm lấy tay trẻ nếu cần.

Nếu một đứa trẻ nổi cơn thịnh nộ hoàn toàn, hãy cố gắng hết sức để giúp chúng lấy lại quyền kiểm soát đồng thời giữ an toàn cho mọi người cho đến khi điều này xảy ra. Những đứa trẻ mất kiểm soát thường cần cả không gian vật chất và sự trấn an về mặt cảm xúc. Hãy chắc chắn rằng đứa trẻ đang ở một nơi an toàn và không muốn bị tổn thương hoặc làm tổn thương bất kỳ ai khác. Ngăn chặn chúng làm điều gì đó nguy hiểm.

Ngay cả khi trẻ không hiểu tất cả các từ bạn nói, bạn vẫn có thể nói chuyện với trẻ bằng giọng trấn an bình tĩnh, chẳng hạn như: “Mẹ ở ngay đây. Mẹ sẽ giúp mọi người giữ an toàn ngay lúc này.” Thông điệp cần phải là, “Mẹ quan tâm đến con!” – KHÔNG phải là, “Con là một đứa trẻ hư.”

Khi trẻ có thể trả lời, hãy đưa ra những chỉ dẫn đơn giản, rõ ràng bằng giọng ấm áp để giúp trẻ tập trung và thể hiện sự quan tâm. “Đây là khăn giấy, con có thể hỉ mũi. Chút nước uống đây. Ta vào phòng tắm rửa mặt đi.”

Sau khi mọi thứ đã lắng xuống, nếu một đứa trẻ có thể hiểu được, bạn có thể thảo luận về những gì đã xảy ra và làm thế nào để ngăn chặn sự khó chịu như vậy một lần nữa. Không bao giờ đề cập đến những gì đã xảy ra trong cơn bùng nổ theo bất kỳ cách xúc phạm nào. Thay vào đó, bạn có thể kể chuyện, rèn luyện kỹ năng và lập kế hoạch như mô tả ở trên.

Đừng ôm, siết hay bế trẻ trừ khi đây là đứa trẻ mà bạn thường ôm và chính bạn đang ổn định cảm xúc. Ngay cả khi đây là con của bạn, hãy chắc chắn rằng bạn đang ôm trẻ một cách kiên quyết nhưng nhẹ nhàng để cơ thể trẻ được an toàn mà không bị siết chặt hoặc làm tổn thương. Nếu bạn cần ở gần một đứa trẻ đang nổi cơn thịnh nộ, hãy bảo vệ cơ thể của chính bạn bằng cách tránh xa những cú húc đầu và khua tay múa chân của trẻ.

7. Đối với người chăm sóc và giáo viên: Nếu bạn chịu trách nhiệm về con cái của người khác, hãy lập kế hoạch và xin phép.

Đồng ý trước với cha mẹ và/hoặc người giám sát của bạn về cách xử lý các vấn đề về hành vi và những gì bạn được và không được phép làm. Hãy nhớ các nguyên tắc ranh giới của Kidpower rằng Vấn đề không nên là bí mật và tiếp tục hỏi và yêu cầu cho đến khi bạn nhận được trợ giúp. Nếu một đứa trẻ mà bạn trông giữ có hành vi phá hoại, hãy nói ngay với cha mẹ và người giám sát của bạn những gì đã xảy ra.

  • Nhận thấy các vấn đề khi chúng còn nhỏ, trước khi chúng đạt đến điểm bùng nổ. Làm việc cùng với các nhân viên khác, phụ huynh và, nếu có thể, với đứa trẻ để lập kế hoạch ngăn chặn rắc rối càng sớm càng tốt.
  • Sử dụng nhận thức của bạn để nhận thấy các tín hiệu nguy hiểm tiềm ẩn và can thiệp bằng cách chuyển hướng đứa trẻ một cách chắc chắn và tử tế sang một hoạt động khác bất cứ khi nào có thể. Thay vì thuyết giáo về những gì trẻ không được làm và tại sao, hãy tập trung vào những gì trẻ CÓ THỂ làm bằng cách nhiệt tình đưa ra những lựa chọn có thể chấp nhận được.
  • Có một kế hoạch để giữ an toàn cho những đứa trẻ khác trong khi bạn đang chăm sóc đứa trẻ cần giúp đỡ.

Những người khác nhau trong một chương trình có thể có mức độ kinh nghiệm và đào tạo khác nhau, do đó, điều hợp lý là họ sẽ có các mức độ cho phép khác nhau. Trước khi bạn được giao trách nhiệm chăm sóc trẻ em, hãy đảm bảo rằng bạn biết các quy tắc về việc hạn chế trẻ em dưới sự chăm sóc của bạn nếu chúng cần được ngăn chặn khỏi hành vi phá hoại hoặc thách thức.

Hãy chắc chắn rằng trung tâm hoặc trường học của bạn có một kế hoạch rõ ràng về việc ai có quyền làm gì nếu một đứa trẻ bùng nổ cảm xúc theo cách có khả năng không an toàn và chỉ ra chính xác những việc cần làm. Những loại công cụ phòng ngừa có sẵn cho bạn là gì? Bạn dự kiến sẽ làm gì để giữ an toàn cho đám trẻ trong thời điểm một trẻ gặp bùng nổ cảm xúc? Bạn gọi ai để được giúp đỡ? Làm thế nào để bạn kêu gọi sự giúp đỡ? Nếu người đó không có ở đó thì sao? Làm sao để bạn báo cáo những gì đã xảy ra?

Tóm lại là

Trẻ cần hiểu rằng mọi cảm xúc của chúng đều bình thường và có thể chấp nhận được, bao gồm cả sự tức giận. Ai cũng có thể đôi khi khó chịu và muốn làm những điều gây tổn thương. Là người lớn, ta có thể giúp con mình học cách chịu trách nhiệm về những gì chúng nói và làm ngay cả khi chúng đang cảm thấy rất tức giận hoặc khó chịu vào thời điểm đó. Việc có thể nhận ra khi nào bạn cảm thấy khó chịu, quan tâm đến cảm xúc của bạn theo những cách tích cực và hành động một cách an toàn bất kể bên trong bạn cảm thấy thế nào là những kỹ năng sống tuyệt vời!

Để tải xuống bài viết này, hãy nhập tên và email của bạn và nhấp vào nút tải xuống.

Bản quyền © 2023 – hiện tại. Đã đăng ký Bản quyền.

Đã xuất bản ngày: August 21, 2023 | Cập nhật mới nhất ngày: August 21, 2023

Nguyễn Vân Anh dịch

Kidpower Founder and Executive Irene van der Zande is a master at teaching safety through stories and practices and at inspiring others to do the same. Her child protection and personal safety expertise has been featured by USA Today, CNN, Today Moms, the LA Times, and The Wall Street Journal. Publications include: cartoon-illustrated Kidpower Safety Comics and Kidpower Teaching Books curriculum; Bullying: What Adults Need to Know and Do to Keep Kids Safe; the Relationship Safety Skills Handbook for Teens and Adults; Earliest Teachable Moment: Personal Safety for Babies, Toddlers, and Preschoolers; The Kidpower Book for Caring Adults: Personal Safety, Self-Protection, Confidence, and Advocacy for Young People, and the Amazon Best Seller Doing Right by Our Kids: Protecting Child Safety at All Levels.